-
-
-
Tổng cộng:
-
Tổng kết sự kiện Ngày Việt Nam nhận thức về tự kỷ lần 2 - tháng 4/2017
TỔNG KẾT SỰ KIỆN
NGÀY VIỆT NAM NHẬN THỨC VỀ TỰ KỶ LẦN THỨ HAI
2ND VIETNAM AUTISM AWARENESS (VAAD2)
Tổng quan về sự kiện Ngày Việt Nam nhận thức về Tự kỷ
Ngày Việt Nam nhận thức về Tự kỷ là hoạt động thường niên hưởng ứng Ngày Thế giới nhận thức về Tự kỷ 2/4, do Bộ Lao động Thương binh và Xã hội Việt Nam và Mạng lưới Tự kỷ Việt Nam tổ chức. Sự kiện bao gồm hai hoạt động chính: Hội thảo về tự kỷ với sự tham gia của các nhà chính sách, nhà chuyên môn, các tổ chức xã hội, doanh nghiệp…, và đại diện phụ huynh có con tự kỷ trong cả nước; Mit tinh kỷ niệm ngày 2/4 và Đại hội thể thao thân thiện dành cho người tự kỷ.
Ngày Việt Nam nhận thức về Tự kỷ lần thứ 2 được tổ chức tại Đại học Tôn Đức Thắng, quận 7, thành phố Hồ Chí Minh, vào ngày 1 và 2/4/2017. Khoảng hơn 1000 người đã tham dự sự kiện gồm 10 đoàn từ các tỉnh thành trong cả nước (Hà nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Bắc Ninh, Thanh Hóa, Đà Nẵng, Vũng Tàu, Tiền Giang, Đồng Nai, TP Hồ Chí Minh) và đoàn khách quốc tế. Trong tổng số đó có hơn 300 trẻ em tự kỷ và người tự kỷ.
Ngoài hai đồng tổ chức chính là Bộ Lao động Thương Binh và Xã hội Việt Nam và Mạng lưới tự kỷ Việt Nam, sự kiện Ngày Việt Nam nhận thức về tự kỷ lần thứ 2 còn nhận được sự phối hợp tổ chức của các tổ chức sau:
- Tổ chức Phát triển Châu Á- Thái Bình Dương về Khuyết tật (Asia-Pacific Development Center on Disability- APCD)
- Liên Hiệp Hội về Người khuyết tật Việt Nam
- Trung tâm Sáng kiến Sức khỏe và Dân số (Ccihp)
- Quĩ Bảo trợ trẻ em Việt Nam
- Trường Đại học Tôn Đức Thắng, TP Hồ Chí Minh
- Sở Văn hóa Thể thao TP Hồ Chí Minh
- Tổ chức Special Olimpic
- Nhóm tình nguyện Rubic
Nội dung sự kiện Ngày Việt Nam nhận thức về Tự kỷ lần thứ 2
Hội thảo chính sách Asean: Tự kỷ - Vấn đề, nhu cầu và giải pháp, từ 8h – 17h ngày 1/4/2017
Hội thảo khai mạc lúc 8 giờ ngày 1/4/2017, với sự tham dự của ông Nguyễn Thanh Sơn, ủy viên ban chấp hành trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Phó chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra trung ương; ông Nguyễn Trọng Đàm, thứ trưởng Bộ lao động Thương binh và Xã hội Việt Nam; Bà Đặng Huỳnh Mai, Chủ tịch Liên hiệp Hội về Người Khuyết tật Việt Nam; Bà Hoàng Ngọc Bích, Chủ tịch Mạng lưới Tự kỷ Việt Nam; Ông Akiie Ninomiya, chủ tịch Tổ chức Phát triển châu Á – Thái Bình Dương về Khuyết tật (Asia-Pacific Development Center on Disability (APCD)), và nhiều khách mời và đại biểu đại diện cho các Bộ, ngành, tổ chức, doanh nghiệp, các nhà chuyên môn về tự kỷ và phụ huynh có con tự kỷ trong cả nước, các đại diện của các hội cha mẹ tự kỷ từ một số nước Asean.
Sau phiên khai mạc trọng thể, hội thảo đã diễn ra với các phiên thảo luận như sau:
Phiên 1: Nhu cầu và chính sách. Chủ tọa: Bà Đặng Huỳnh Mai, Chủ tịch Liên Hiệp Hội về Người Khuyết tật Việt Nam, Chủ tịch danh dự Mạng lưới tự kỷ Việt Nam. Bao gồm các bài trình bày sau:
1. Tổng quan về tình trạng và kết quả đạt được về chính sách hỗ trợ trẻ và gia đình trẻ tự kỷ tại Việt Nam, Ông Đoàn Hữu Minh, Cục Bảo trợ xã hội, Bộ LĐ-TB&XH VN
2. Hỗ trợ xuyên suốt vòng đời cho người tự kỷ tại các nước Asean, Ông Akiie Ninomyia, Chủ tịch APCD
3. Hoạt động hỗ trợ phục hồi chức năng cho trẻ em tự kỷ tại cộng đồng của Quĩ Bảo trợ trẻ em Việt Nam, Ông Trần Quang Việt, Quĩ Bảo trợ trẻ em Việt Nam
4. Hướng tới mô hình giáo dục, hướng nghiệp và dạy nghề cho trẻ khuyết tật (trẻ tự kỷ), Ông Nguyễn Xuân Thắng, Giám đốc Trung tâm phục hồi chức năng và trợ giúp trẻ tàn tật TP Hồ Chí Minh
5. Trị liệu đa ngành trong can thiệp tự kỷ, Ông Lâm Hiếu Minh, khoa Sức khỏe tâm trí, Bệnh viện Chỉnh hình và Phục hồi chức năng TP Hồ Chí Minh
Sau các bài trình bày, các đại biểu đã đặt ra các câu hỏi, thảo luận, đánh giá… Khái quát lại là hiện nay các vấn đề về nhu cầu của người tự kỷ đã rõ, về chính sách đã bắt đầu xuất hiện và có sự phát triển. Những mặt khuyết thiếu cũng đã được chỉ ra. Rất cần có sự phối hợp đa ngành để hoàn thiện về chính sách và các giải pháp xuyên suốt vòng đời cho người tự kỷ trong những năm tới.
Phiên 2: Các giải pháp phát hiện sớm, can thiệp sớm. Chủ tọa: GS. Đỗ Văn Dũng – Phó Hiệu trưởng trường Đại học Y dược TP Hồ Chí Minh. Bao gồm các bài trình bày sau:
1. Nâng cao chất lượng chẩn đoán – Nhu cầu và Giải pháp, BS. Phạm Minh Triết, trưởng khoa Tâm lý, Bệnh viện Nhi đồng I, TP Hồ Chí Minh
2. Đào tạo chuyên viên Âm ngữ trị liệu tại Việt Nam, Bà Avrin Avey, chuyên viên Âm ngữ trị liệu, Tổ chức Trinh Foundation Australia
3. Sử dụng công nghệ thông tin trong phát hiện sớm và can thiệp sớm cho trẻ tự kỷ, TS Vũ Song Hà, Phó Giám đốc Trung tâm Sáng kiến Sức khỏe và Dân số, Giám đốc dự án A365 – Chăm sóc thông minh cho trẻ tự kỷ
Sau các bài trình bày, các đại biểu đã hỏi đáp rất sôi nổi, đặc biệt với sự tham gia của BS Phan Thiệu Xuân Giang, Phòng khám đa khoa An Phước. Các đại biểu đã thảo luận về hiện trạng chẩn đoán, can thiệp khá hỗn loạn và tự phát tại Việt Nam hiện nay, cần phải có giải pháp chuẩn hóa về chuyên môn, học thuật. Công việc đó phải được làm một cách có hệ thống, từ đào tạo chuyên môn đến quản lý, sàng lọc các cơ sở dịch vụ.
Phiên 3: Các giải pháp giáo dục. Chủ tọa: Bà Lê Kim Dung, Vụ trưởng Vụ hợp tác quốc tế, Bộ LĐ-TB&XH VN. Bao gồm các bài trình bày:
1. Mô hình Giáo dục hòa nhập tại Trường Tiểu học Trần Quốc Toản, quận 5, TP Hồ Chí Minh, Ông Lê Thái Minh Hầu, hiệu trưởng
2. Hướng đến hòa nhập cộng đồng, Ông Srey Vanthon, cán bộ công tác xã hội và Ông Im Bunchhoeun, Bộ Xã hội, đại biểu đến từ Campuchia
3. Giáo dục hòa nhập: chia sẻ kinh nghiệm và điển hình tốt về hỗ trợ giáo dục cho người tự kỷ ở Thái Lan, Ông Onanong Kumbang, Cán bộ công tác xã hội, đại biểu đến từ Thái Lan
4. Giáo dục hòa nhập tại Lào, Ông Sisavath Khomphonh, Phó vụ trưởng Vụ Chính sách, Người Khuyết tật và Người cao tuổi, Bộ Lao động và Phúc lợi xã hội, đại biểu đến từ Lào
Sau các bài trình bày, hội nghị đã có sự trao đổi giữa đại biểu Việt Nam và các vị khách quốc tế đến từ các nước Lào, Thái Lan, Indonesia, Myanmar, Campuchia. Các đại biểu đại diện cho các nước đã chia sẻ hiện trạng ở đất nước mình, đa phần cũng còn gặp nhiều khó khăn bất cập như ở Việt Nam. Các đại biểu cũng đánh giá cao các kinh nghiệm, và những giải pháp tích cực cải thiện chính sách giáo dục tại các quốc gia khác nhau.
Phiên 4: Các giải pháp hướng nghiệp và sự tham gia của doanh nghiệp. Chủ tọa: Bà Hoàng Ngọc Bích, Chủ tịch mạng lưới Tự kỷ Việt Nam. Bao gồm các bài trình bày:
1. Mô hình đào tạo, dạy nghề và hướng nghiệp, Bà Phạm Kim Tâm, trường chuyên biệt Tuổi Ngọc, TP Hồ Chí Minh
2. Mô hình đào tạo nghề và hướng nghiệp, Bà Phạm Thị Yến, Trung tâm chuyên biệt Albert Einstein, Hà Nội
3. Kinh nghiệm và khả năng của doanh nghiệp trong tham gia hướng nghiệp cho người tự kỷ, Ông Jimmy Phạm, nhà sáng lập Doanh nghiệp xã hội Koto
4. Hỗ trợ người tự kỷ phát huy tiềm năng, Bà Phạm Doãn Hà My, Soul Corporation
5. Hợp tác trong xuất bản sách về tự kỷ, Bà Nguyễn Thị Việt Hà, nhà văn, tạp chí Văn nghệ Cà Mau
Sau các bài trình bày, hội nghị đã thảo luận, các đại biểu là phụ huynh có con tự kỷ đặc biệt hy vọng vào các giải pháp mà doanh nghiệp góp tay đem lại, hy vọng một tương lai có việc làm, có đóng góp cho xã hội của người tự kỷ tại Việt Nam.
Hội thảo chính sách Asean: Vấn đề, Nhu cầu và Giải pháp bế mạc lúc 17h ngày 1/4/2017, với các kết luận sau:
- Khái quát các hướng xây dựng, hoàn thiện về chính sách cho người tự kỷ trong thời gian tới
- Đặt ra nhu cầu và tính cấp thiết của việc chuẩn hóa về chẩn đoán, can thiệp sớm cho trẻ tự kỷ
- Tổng hợp các kinh nghiệm và tiếp tục đẩy mạnh giáo dục hòa nhập cho trẻ tự kỷ
- Mở ra các cơ hội đào tạo, dạy nghề cho người tự kỷ với sự tham gia của các doanh nghiệp.
Bên lề của Hội thảo còn có các hoạt động trưng bày poster giới thiệu hoạt động của các trung tâm, dự án, kế hoạch, mô hình hỗ trợ người tự kỷ trên cả nước.
Hoạt động giao lưu: Gala Dinner từ 19h – 22h ngày 1/4/2017
Khoảng 150 người bao gồm 10 đoàn các tỉnh và đoàn khách quốc tế đã tham dự Gala Dinner, giao lưu, biểu diễn văn nghệ, trao đổi và chia sẻ các kinh nghiệm hoạt động nhóm hội cha mẹ tại các địa phương
Mít tinh hưởng ứng Ngày Thế giới Nhận thức về Tự kỷ 2/4 và Đại hội thể thao thân thiện dành cho người tự kỷ, 8h – 12h ngày 2/4/2017
Có khoảng trên 1000 người, trong đó có 300 trẻ nhỏ và thanh thiếu niên tự kỷ đã tham gia sự kiện. Chương trình thi đấu thể thao đã bắt đầu từ chiều ngày 1/4/2017 với các môn bơi (bơi cự ly 25m, 50m có người trợ giúp và không có người trợ giúp), do Sở Văn hóa Thể thao TP Hồ Chí Minh tổ chức thi đấu, chấm giải. Với tính chất một cuộc thi thể thao thân thiện, ban tổ chức hết sức trân trọng mọi cố gắng tham gia và nỗ lực về đích dưới bất kỳ hình thức nào của các vận động viên tự kỷ. Tuy nhiên thành tích cũng luôn luôn được ghi nhận một cách đầy đủ, công bằng
.
Sáng ngày 2/4/2017, lễ mít tinh hưởng ứng Ngày Thế giới Nhận thức về Tự kỷ đã được tổ chức trang trọng. Các khách mời quốc tế gồm có: Ông Vongthep Arthakaivalvatee, Phó tổng thư ký Asean (đây là lần thứ 2 ông Vongthep Arthakaivalvatee tham dự sự kiện Ngày Việt Nam nhận thức về tự kỷ), Ông Akiie Ninomyia, Chủ tịch Tổ chức Phát triển Châu Á Thái Bình Dương về khuyết tật, và các đại diện của các nước Thái Lan, Lào, Campuchia, Myanmar, Indonesia. Về phía Việt Nam: Ông Nguyễn Trọng Đàm, Thứ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội Việt Nam cùng nhiều cán bộ cấp cao của Bộ; Bà Đặng Huỳnh Mai, Chủ tịch Liên Hiệp Hội về Người Khuyết tật Việt Nam; Ban Giám hiệu trường Đại học Tôn Đức Thắng, lãnh đạo Sở Văn hóa Thể thao TP Hồ Chí Minh đã đến tham dự. Sự kiện còn có sự xuất hiện của nhiều ngôi sao công chúng như Nghệ sĩ Saxophone Trần Mạnh Tuấn, ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng, diễn viên điện ảnh Lý Hùng, MC Thanh Bạch, Đại Nghĩa. Rất nhiều nhà chuyên môn về tự kỷ, phụ huynh trẻ tự kỷ, các tổ chức xã hội, cộng đồng, các tình nguyện viên đã đến tham gia và hòa vào niềm vui chung của Ngày hội về tự kỷ, với thông điệp nổi bật: Vì một cộng đồng thân thiện với Người tự kỷ ở Việt Nam.
Lễ mit tinh đã mở đầu với bài biểu diễn Saxophone của nghệ sĩ Trần Mạnh Tuấn cùng con gái Trần An, với cậu bé tự kỷ Nguyễn Trung Hiếu. Tiếp đó, sau các phát biểu và các tiết mục biểu diễn văn nghệ, Đại hội thể thao được tuyên bố khai mạc, đại diện vận động viên tuyên thệ, và các vận động viên tham gia các môn thi đấu như chạy, bật xa tại chỗ, các trò chơi giao lưu như nhảy bao bố, kéo co…
Kết thúc các phần thi đấu, Ban tổ chức đã tổ chức lễ bế mạc và trao 125 bộ huy chương cho các vận động viên.
Hoạt động thể thao có ý nghĩa rất quan trọng với người tự kỷ. Đó là môi trường hòa nhập và cơ hội để người tự kỷ thể hiện bản thân theo một cách thức thuận lợi nhất. Sự kiện thể thao tổ chức hàng năm cũng tạo ra động lực để khuyến khích các trường, nhóm trẻ và các gia đình tăng cường các hoạt động thể chất, vận động trị liệu, đồng thời rèn luyện các kỹ năng thi đấu, hoạt động tập thể và khả năng tham gia hòa nhập vào các hoạt động vui chơi giải trí cộng đồng.
Rất nhiều tài trợ và phần quà từ nhiều đơn vị, tổ chức đã được trao trong ngày hội này:
- Quĩ bảo trợ trẻ em Việt Nam: 300 phần quà trị giá 54 triệu đồng
- Tổ chức Phát triển Châu Á – Thái Bình Dương về Khuyết tật: 30 triệu đồng
- Công ty Crestcom: tài trợ chi phí đi lại ăn ở cho các thành viên Ban tổ chức thuộc VAN trị giá 30 triệu đồng
- Hãng hàng không Nhật bản Japan Airline: 500 áo đồng phục trị giá 30 triệu đồng
- Công ty Escovn: Cung cấp dàn âm thanh, ánh sáng, máy chiếu… trị giá 20 triệu đồng
- Trung tâm Sáng kiến Sức khỏe và Dân số Ccihp: 15 triệu đồng
- Công ty Minh Long I: tặng 160 ca sứ, trị giá 10 triệu đồng
- Công ty thực phẩm CP: Tặng nước uống và 100kg xúc xích, trị giá 10 triệu đồng
- Nhà Xuất bản Trẻ: sách, truyện tranh thiếu nhi trị giá 10 triệu đồng
- Art of Love: 10 triệu đồng
- Nhà xuất bản First News Trí Việt: Tặng sách và ấn phẩm trị giá 10 triệu đồng
- … Và còn nhiều tổ chức, cá nhân nữa đã ủng hộ, tài trợ và đóng góp tài năng, công sức tình nguyện cho sự kiện
Tổng kết
Sự kiện Ngày Việt Nam Nhận thức về tự kỷ lần thứ 2 đã đạt được những thành công và giá trị sau:
- Nơi gặp gỡ thảo luận của các nhà làm chính sách, các nhà chuyên môn, nhà doanh nghiệp, nhà hoạt động xã hội, và các cha mẹ có con tự kỷ, và người tự kỷ. Hội thảo cũng là nơi chia sẻ các kinh nghiệm quốc tế. Vấn đề tự kỷ được nêu ra và phân tích dưới nhiều góc độ, tìm ra những phương hướng và giải pháp trong năm tới.
- Đây là dịp để trẻ em tự kỷ, người tự kỷ được tham gia một hoạt động văn hóa, thể thao, vui chơi sôi nổi, ý nghĩa, nâng cao kỹ năng hòa nhập cộng đồng
- Các cha mẹ và nhà chuyên môn có điều kiện giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm, truyền cho nhau sức mạnh và niềm tin, tiếp tục đồng hành cùng con
- Sự kiện giàu ý nghĩa nhân văn, có sức lan tỏa xã hội, nâng cao nhận thức cộng đồng về chứng tự kỷ
- Nơi kêu gọi tinh thần hỗ trợ và các nguồn lực để góp phần tạo dựng một cộng đồng thân thiện với người tự kỷ, một tương lai tươi sáng cho người tự kỷ ở Việt Nam.
Sự kiện sẽ được duy trì trong các năm tới tại Việt Nam.
BÌNH LUẬN:
❤️ Janice want to meet you! Click here: https://clck.ru/ec2jW?h=51f7a3553929405fb5735b1792abb129- ❤️ - 29/03/2022 lúc 09:19 -
3deakrp