Hoạt động VAN

Mạng lưới Tự kỷ Việt Nam tri ân - 02/04/2020

20/05/2020 Pham Ngan 0 Nhận xét
Mạng lưới Tự kỷ Việt Nam tri ân - 02/04/2020
MẠNG LƯỚI TỰ KỶ VIỆT NAM TRÂN TRỌNG TRAO TẶNG CHỮ A MÀU XANH
 
Nhân ngày Thế giới Nhận thức về Tự kỷ 2/4, chúng tôi xin trân trọng cảm ơn các tổ chức, cá nhân đã có sự chia sẻ đặc biệt và đồng hành trong từng sự kiện của Mạng lưới Tự kỷ Việt Nam- VAN trong thời gian vừa qua. Danh sách dưới đây là tổng hợp sự đề xuất của Ban điều hành VAN và của cộng đồng. Chiếc đèn chữ A tỏa ánh sáng Xanh là lời cảm ơn của chúng tôi tới những trí tuệ và nhiệt huyết, đã cùng chúng tôi chia sẻ kiến thức, thông tin, và xây dựng một cộng đồng thân thiện với người tự kỷ. Trân trọng.
 
TIẾN SĨ, BÁC SĨ VŨ SONG HÀ
TS Vũ Song Hà gắn bó với Mạng lưới tự kỷ Việt Nam từ 10 năm nay, khi còn đang là nghiên cứu sinh về tự kỷ tại Úc. Dự án đầu tiên về tự kỷ là Triển lãm ảnh Throuth My Eyes năm 2012, trưng bày góc nhìn của tự kỷ qua những bức ảnh chính các em chụp. Năm 2014 TS Vũ Song Hà chính thức khởi động dự án A365- Chăm sóc thông minh cho trẻ tự kỷ, xây dựng một hệ thống trợ giúp cha mẹ phát hiện sớm và chăm sóc con tự kỷ tại nhà hoàn toàn miễn phí, với nhiều giải pháp online kết hợp tập huấn offline. Dự án này đã mang lại lợi ích lớn cho cộng đồng tự kỷ Việt nam trong những năm qua.
 
GIÁO SƯ, BÁC SĨ NGUYỄN THANH LIÊM
GS,BS Nguyễn Thanh Liêm có mối quan tâm đặc biệt đến hội chứng tự kỷ và có sự chia sẻ sâu sắc với cộng đồng cha mẹ có con tự kỷ tại Việt Nam. Năm 2019, Giáo sư đã cùng các nhà chuyên môn, các nhà biên dịch và Nhà xuất bản Phụ nữ thực hiện xuất bản bộ 4 cuốn sách hướng dẫn chăm sóc và can thiệp cho trẻ tự kỷ, một nguồn tài liệu hết sức quí báu cho các giáo viên và phụ huynh. Giáo sư cũng tài trợ một số lượng lớn sách miễn phí cho các phụ huynh gặp khó khăn và các nhóm phụ huynh ở tỉnh xa. Giáo sư cũng đã chính thức đề xuất lên Chính phủ, cần có một Chương trình quốc gia về tự kỷ ở Việt Nam.
 
GIÁO SƯ, TIẾN SĨ NGUYỄN THỊ HOÀNG YẾN
GS Nguyễn Thị Hoàng Yến là một trong những người đặt nền móng cho ngành Giáo dục đặc biệt ở Việt Nam, là người đầu tiên đề xuất ý tưởng thành lập nhóm phụ huynh để cùng chia sẻ kiến thức, kỹ năng chăm sóc con tự kỷ, và là Chủ tịch đầu tiên của Câu lạc bộ gia đình Trẻ tự kỷ Hà Nội. GS cũng là tác giả của nhiều công trình khoa học trong nước và quốc tế về trẻ có rối loạn phổ tự kỷ, góp phần nâng cao nhận thức của cộng đồng về Hội chứng rối loạn phổ tự kỷ ở Việt Nam.
 
ThS HỒ THỊ HUYỀN THƯƠNG
ThS Hồ Thị Huyền Thương tu nghiệp tại Mỹ ngành Phân tích hành vi ứng dụng (ABA) và hiện tại đang là một chuyên gia có uy tín cao về can thiệp tự kỷ tại Việt Nam. Facebook cá nhân mang tên Thuong Ho thường xuyên đăng tải các bài viết hướng dẫn phụ huynh dạy con tự kỷ rất khoa học và dễ hiểu. Thuong Ho cũng là một trong những chuyên gia chính của Chương trình phi lợi nhuận A365 – Chăm sóc thông minh cho trẻ tự kỷ, và là người thiết kế khóa tập huấn Can thiệp tại nhà Vui và Hiệu quả đang được triển khai tại một số tỉnh thành.
 
GIÁO VIÊN GIÁO DỤC ĐẶC BIỆT NGUYỄN THỊ THÚY
Giáo viên Giáo dục đặc biệt Nguyễn Thị Thúy, cô Thúy “Gà Ta” là nhà chuyên môn đồng hành lâu dài và bền bỉ với cộng đồng phụ huynh có con tự kỷ, từ những hoạt động ban đầu của Câu lạc bộ Gia đình trẻ tự kỷ Hà Nội năm 2001, đến những hoạt động hiện tại do VAN tổ chức. Cô Thúy là người đứng đầu trong việc tổ chức mọi hoạt động Thể thao và Văn nghệ cho trẻ tự kỷ trong các sự kiện của Hà Nội và toàn quốc. Hiện cô Thúy cũng là thành viên điều hành của Câu lạc bộ Gia đình trẻ tự kỷ Hà Nội và là thành viên tư vấn chuyên môn cho Mạng lưới Tự kỷ Việt Nam - VAN.
 
CA SĨ THÁI THÙY LINH
Ca sĩ Thái Thùy Linh có mối quan tâm và chia sẻ sâu sắc với các gia đình có con tự kỷ, và đã khởi xướng nhiều hoạt động xã hội về người tự kỷ, tiêu biểu là chuỗi chương trình “Tôi đã hiểu, còn bạn?” được tổ chức liên tục trong 3 năm từ 2017, ở một số thành phố lớn, nhằm mục đích nâng cao nhận thức cộng đồng về tự kỷ. Hiện tại ca sĩ Thái Thùy Linh đang thực hiện dự án Mảnh ghép Xanh hỗ trợ trẻ tự kỷ rèn luyện kỹ năng sống và hướng nghiệp.
 
BÁC SĨ PHAN THIỆU XUÂN GIANG
Bác sĩ Phan Thiệu Xuân Giang có chuyên môn sâu sắc về thần kinh Nhi, là người hỗ trợ các hoạt động chuyên môn của VAN và của dự án A365. Bác sĩ cũng rất nhiệt huyết với các hoạt động cộng đồng, tham gia các chương trình giải đáp trực tuyến, các hội thảo với cha mẹ, hỗ trợ các cha mẹ kiến thức và kỹ năng chăm sóc con tự kỷ
 
BÁC SĨ ĐỖ VĂN THẮNG
Bác sĩ Đỗ Văn Thắng là trưởng Đơn nguyên Tâm bệnh và Phục hồi chức năng, Bệnh viện Sản Nhi Quảng ninh. Nhận thấy nhu cầu thăm khám phát hiện và can thiệp cho trẻ tự kỷ ở Quảng Ninh rất cấp thiết, bác sĩ đã rất tích cực đề xuất các hội thảo, tập huấn tại địa phương cho các nhân viên y tế, giáo viên và phụ huynh, và thành lập nhóm tự kỷ tại Quảng ninh. Bác sĩ cũng tích cực tham gia tập huấn chuyên môn tại viện Nhi trung ương và tham gia các hoạt động đồng hành cùng VAN. Nỗ lực của bác sĩ đã mang lại những thay đổi tích cực cho một cộng đồng tự kỷ ở tỉnh Quảng Ninh.
 
TRUNG TÂM SÁNG KIẾN SỨC KHỎE VÀ DÂN SỐ CCIHP
Trung tâm Sáng kiến Sức khỏe và Dân số (CCIHP) là tổ chức phi chính phủ, là đối tác và đồng hành quan trọng nhất của Mạng lưới tự kỷ Việt Nam từ năm 2014. Ngoài việc là cơ quan chủ quản phát triển website A365, CCIHP còn là đồng tổ chức với VAN trong chuỗi sự kiện VAAD – Ngày Việt Nam nhận thức về tự kỷ và Đại hội thể thao thân thiện dành cho Người tự kỷ, được tổ chức thường niên từ năm 2016 đến nay. Đặc biệt trong năm 2019, CCIHP đã đồng hành và hỗ trợ tài chính cho VAN thực hiện 15 tập huấn phụ huynh nhiều tỉnh thành trong cả nước.
 
TỔ CHỨC TÌNH NGUYỆN RUBIK COLLBORATIVE
Tổ chức tình nguyện Rubik Collborative là tổ chức tình nguyện chuyên về tự kỷ, chính thức đồng hành cùng Mạng lưới Tự kỷ Việt Nam từ năm 2016, là đồng tổ chức sự kiện VAAD – Ngày Việt Nam Nhận thức về Tự kỷ và Đại hội thể thao thân thiện dành cho Người tự kỷ. Ngoài ra Rubik thực hiện nhiều hoạt động độc lập về tự kỷ, như Dự án Xuất bản sách hướng dẫn can thiệp tự kỷ, Chương trình Chủ nhật vui (tổ chức vui chơi cho trẻ tự kỷ), Cửa hàng bánh Tròn Xoe (hướng nghiệp cho người tự kỷ). Rubik cũng tham gia nhân lực tình nguyện cho hầu hết các hoạt động cộng đồng của Mạng lưới tự kỷ Việt Nam - VAN.
 
SÀI GÒN CHILDREN’S CHARRITY
Saigon Children’s Charrity là tổ chức phi chính phủ của Anh, đặt tại TPHCM. Từ năm 2016, Saigon Children's Charrity đã tài trợ và phối hợp tổ chức các hoạt động thể thao và các ngày hội vui chơi dành cho trẻ tự kỷ tại TPHCM và các tỉnh lân cận. Bên cạnh đó, Saigon Children's Charrity cũng tổ chức các khoá tập huấn dài hạn và ngắn hạn dành cho phụ huynh, giáo viên dạy trẻ tự kỷ. Đây cũng là tổ chức đã mở chương trình Một triệu bước chân ủng hộ tự kỷ năm 2019
 
CÔNG TY VÀNG BẠC ĐÁ QUÍ PHÚ NHUẬN PNJ
Công ty vàng bạc đá quý Phú Nhuận PNJ là doanh nghiệp đầu tiên mở một gói tài trợ lớn, đến 10 tỉ đồng cho Quỹ bảo trợ trẻ em Việt Nam. Dự án được triển khai trong 5 năm, soạn thảo bộ tài liệu dành cho giáo viên, kỹ thuật viên và cha mẹ, hướng dẫn sử dụng bộ tài liệu và hướng dẫn thực hành, nhằm nâng cao chất lượng can thiệp cho nhiều trẻ tự kỷ trên cả nước.
 
LET’S JAM
Let’s Jam là nhóm nhạc hình thành từ năm 2018, từ ý tưởng của một người anh có em tự kỷ và những người bạn. Mỗi năm về tổ chức đêm diễn duy nhất, dành toàn bộ tiền bán vé ủng hộ quỹ VAN, tài trợ trang thiết bị thể thao cho các trường chuyên biệt, giúp các em có thêm điều kiện tập vận động mỗi ngày, nâng cao thể lực, sức khoẻ.
 
SPECIAL OLYMPICS
Special Olympics là một tổ chức từ thiện hỗ trợ việc tập luyện và thi đấu các môn thể thao tương đương các môn thi tại Olympic cho người khuyết tật trí tuệ. Tại Việt Nam, từ năm 2018, Special Olympic đã tổ chức các hoạt động thể thao cộng đồng, các giải đấu khu vực và quốc tế, góp phần nâng cao thể chất và năng lực cho người khuyết tật trí tuệ nói chung và tự kỷ nói riêng.
 
KHOA GIÁO DỤC ĐẶC BIỆT – TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM HÀ NỘI
Khoa GDDB, trường Đại học Sư phạm Hà Nội thành lập năm 2001, đến năm 2014 bổ sung chuyên ngành GD trẻ tự kỉ, GD trẻ khuyết tật ngôn ngữ và GD trẻ khuyết tật học tập. Khoa là đơn vị góp phần đào tạo nhân lực có trình độ, từ cán bộ quản lí, giáo viên, đến nhân viên hỗ trợ trẻ có nhu cầu Giáo dục đặc biệt, và trẻ tự kỷ. Khoa cũng tham gia các hoạt động xây dựng chính sách, các dự án hợp tác khoa học, và nhiều hoạt động nâng cao nhận thức về tự kỷ. Khoa luôn đồng hành với VAN trong các sự kiện hội thảo khoa học, và các hoạt động tập huấn, chia sẻ kiến thức, hỗ trợ phụ huynh.
 
TRUNG TÂM GIÁO DỤC ĐẶC BIỆT QUỐC GIA , VIỆN KHOA HỌC GIÁO DỤC VIỆT NAM
Trung tâm Giáo dục đặc biệt quốc gia nghiên cứu phát triển khoa học giáo dục đặc biệt; tư vấn cho các cơ quan chức năng xây dựng, ban hành chính sách cho người dạy và người học; phát triển và quản lý ngành học và các vấn đề thuộc lĩnh vực giáo dục đặc biệt; tham gia đào tạo sau đại học; hợp tác, tư vấn, chuyển giao và thông tin khoa học về giáo dục đặc biệt. Trung tâm luôn hỗ trợ VAN các hoạt động khoa học, các hướng dẫn chuyên môn, và các sự kiện cộng đồng.
 
TRUNG TÂM GIÁO DỤC HƯỚNG NGHIỆP S.E.E.D
Trung tâm do TS Đào Thị Thu Thủy sáng lập, hoạt động chính thức từ tháng 08/2019. Trước đó TS Đào Thị Thu Thủy đã tham gia nhiều hoạt động chuyên môn và hoạt động cộng đồng với CLB Gia đình Trẻ tự kỷ Hà Nội, và VAN. Trung tâm xây dựng chương trình giáo dục hướng nghiệp bài bản, phù hợp với nhu cầu năng lực của thanh thiếu niên tự kỷ. Trung tâm đã kết nối, chia sẻ mô hình tới nhiều cơ sở trên địa bàn Hà Nội và các tỉnh lân cận nhằm mở rộng cơ hội việc làm cho người tự kỷ
 
NGÂN HÀNG VCB HƯNG YÊN
Ngân hàng VCB Hưng Yên có sự chia sẻ sâu sắc với cộng đồng tự kỷ thông quan những hành động thiết thực, ủng hộ con người và hỗ trợ tài chính cho các hoạt động của Mạng lưới Tự kỷ Việt Nam. Đặc biệt, Ngân hàng VCB Hưng Yên đồng hành với Mạng lưới trong các chương trình hỗ trợ Giáo viên và Phụ huynh có con tự kỷ ở các tỉnh xa, phổ biến kiến thức, tập huấn về phương pháp phát hiện sớm, can thiệp đúng cách với trẻ tự kỷ.
 
BÁO ĐIỆN TỬ VIETNAMNET
Báo Điện tử Vietnamnet là cơ quan báo chí đã thực hiện nhiều tác phẩm truyền thông về tự kỷ, tiêu biểu là loạt phóng sự điều tra về cơ sở dạy trẻ tự kỷ Tâm Việt, có hoạt động can thiệp cho trẻ tự kỷ chưa có kiểm chứng khoa học, gây nên những tổn hại tinh thần, sức khỏe, tài chính của nhiều trẻ tự kỷ và gia đình. Loạt bài điều tra năm 2019 đã tạo nên sự chú ý lớn và thức dậy mối quan tâm của xã hội và cộng đồng về tự kỷ.
 
BÁO NGÀY NAY
Báo Ngày Nay có sự quan tâm chú ý lớn đến cộng đồng tự kỷ, thông qua việc mỗi năm đều có chiến dịch truyền thông về tự kỷ vào dịp 2/4. Điển hình là bài phóng sự “Xin đừng đánh Minh”, đã thức dậy cảm xúc mạnh mẽ của cộng đồng, thông qua hình tượng cậu bé tự kỷ lớn mặc chiếc áo có viết dòng chữ “Đừng đánh Minh” trên lưng. Báo Ngày Nay cũng luôn đồng hành và làm truyền thông cho các hoạt động nâng cao nhận thức cộng đồng do Mạng lưới Tự kỷ Việt Nam - VAN khởi xướng.
 
BÁO ĐIỆN TỬ VIETNAMPLUS
Báo Điện tử Vietnamplus luôn đồng hành cùng Mạng lưới tự kỷ Việt Nam- VAN trong mọi hoạt động và sự kiện cộng đồng. Các bài viết và phóng sự ảnh do Vietnamplus thực hiện đã chuyển tải những câu chuyện, thông điệp, hình ảnh sinh động về tự kỷ, góp phần đem lại sự thấu hiểu, chia sẻ, ủng hộ của cộng đồng đối với tự kỷ. Ngày Việt Nam nhận thức về tự kỷ năm 2016, Tổng biên tập Lê Quốc Minh của Vietnamplus đã làm đại sứ thiện chí trong sự kiện.
 
NHÀ BÁO TRẦN VIỆT HÀ, THỜI SỰ VTV
Nhà báo Trần Việt Hà làm truyền thông về tự kỷ từ những sự kiện do Câu lạc bộ Gia đình trẻ tự kỷ Hà nội, tiền thân của VAN tổ chức. Đó là sự kiện Đi bộ vì con năm 2010 và 2011, sự kiện Thắp Ánh Sáng Xanh, sự kiện Tôi có thể làm được!... Các tác phẩm báo chí của nhà báo Trần Việt Hà có thông điệp cô đọng, sâu sắc về tự kỷ, có hiệu quả nâng cao nhận thức cộng đồng. Nhà báo Trần Việt Hà cũng tham gia chia sẻ kinh nghiệm truyền thông về tự kỷ trong Hội thảo khoa học “Truyền thông về Tự kỷ” do Học viện Báo chí và Tuyên truyền tổ chức năm 2015
 
Mạng lưới Tự kỷ Việt Nam
 
 

Bình luận

VIẾT BÌNH LUẬN CỦA BẠN:

popup

Số lượng:

Tổng tiền: