Mạng lưới Người tự kỷ Việt Nam (sau đây gọi tắt là VAN) là tổ chức xã hội, phi lợi nhuận, hành động vì mục đích bảo vệ, hỗ trợ người tự kỷ thực hiện quyền và nghĩa vụ theo quy định của pháp luật.

Chương 1.

TÊN GỌI, TÔN CHỈ VÀ MỤC ĐÍCH

Điều 1. Tên gọi

1. Tên gọi bằng tiếng Việt: Mạng lưới Người tự kỷ Việt Nam.

2. Tên giao dịch:

          - Bằng tiếng Việt: Mạng lưới Người tự kỷ Việt Nam

          - Bằng tiếng Anh: Vietnam Autism Network.

3. Tên tiếng Anh viết tắt: VAN.

Điều 2. Tôn chỉ, mục đích

1. Mạng lưới Người tự kỷ Việt Nam (sau đây gọi tắt là VAN) là tổ chức xã hội, phi lợi nhuận, hành động vì mục đích bảo vệ, hỗ trợ người tự kỷ thực hiện quyền và nghĩa vụ theo quy định của pháp luật.

2. Liên kết, tập hợp sức mạnh của các tổ chức, cá nhân vì người tự kỷ, gia đình có người tự kỷ; điều phối hoạt động của các hội, các tổ chức thành viên, hội viên của VAN, tạo điều kiện cho người tự kỷ được hòa nhập trong cộng đồng và nâng cao chất lượng sống của họ.

3. VAN hướng tới việc tham gia xây dựng và thực hiện đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước đối với người tự kỷ, Công ước quốc tế về quyền của người tự kỷ, nâng cao vị thế, vai trò của người tự kỷ, đại diện cho các tổ chức của người tự kỷ, gia đình có người tự kỷ và vì người tự kỷ Việt Nam tham gia các hoạt động quốc tế.

Điều 3. Nguyên tắc tổ chức, hoạt động

1. Tự nguyện, tự quản, tự chủ về tài chính và tự chịu trách nhiệm trước pháp luật.

2. Đoàn kết, trung thực, hợp tác bình đẳng, dân chủ, đồng thuận, công khai và minh bạch.

3. Tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách.

4. Liên minh, hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho các hội, tổ chức thành viên của VAN.

Điều 4. Phạm vi hoạt động, địa vị pháp lý và trụ sở của VAN

1. VAN hoạt động trong phạm vi cả nước, chịu sự quản lý nhà nước của bộ LĐ TBXH, Liên hiệp hội về Người khuyết tật Việt Nam và các bộ, ngành khác có liên quan đến phạm vi, lĩnh vực hoạt động của VAN.

3. VAN có trụ sở chính đặt tại thành phố Hà Nội, khi cần thiết có thể lập các văn phòng đại diện tại các địa phương khác theo quy định của pháp luật.

Chương 2.

CHỨC NĂNG VÀ NHIỆM VỤ

Điều 5. Chức năng

 

1. VAN là một tổ chức xã hội tập hợp các tổ chức của người tự kỷ, gia đình có người tự kỷ và tổ chức vì người tự kỷ, hỗ trợ người tự kỷ sống tự tin, bình đẳng và hòa nhập đầy đủ trong một môi trường pháp lý, xã hội, giáo dục, y tế bình đẳng, an toàn và phù hợp với người tự kỷ.  

2. Thay mặt người tự kỷ, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người tự kỷ, tạo cơ hội bình đẳng, điều kiện thuận lợi để người tự kỷ học tập, sinh hoạt và làm việc.

 

Điều 6. Nhiệm vụ

 

1.Bảo vệ quyền của người tự kỷ và gia đình họ theo Công ước quốc tế về quyền của người khuyết tật và theo luật pháp của nước Cộng hòa XHCN Việt Nam.

2. Liên kết, đào tạo và phát triển các tổ chức người tự kỷ trên toàn quốc.

3. Điều phối hoạt động của các tổ chức thành viên. Thúc đẩy chia sẻ kinh nghiệm và tăng cường hợp tác giữa các tổ chức thành viên.

4. Nâng cao năng lực của các tổ chức người tự kỷ và gia đình trên toàn quốc.

5. Tập hợp ý kiến và nguyện vọng của người tự kỷ và gia đình có người tự kỷ để phản ánh với Đảng, Nhà nước và các cơ quan chức năng trong việc xây dựng chính sách pháp luật liên quan đến người tự kỷ.

6. Tham gia với các tổ chức quốc tế về lĩnh vực tự kỷ theo quy định của pháp luật.

7. Thu hút, điều phối các nguồn tài chính hỗ trợ, tài trợ cho người tự kỷ.

8. Thúc đẩy, khuyến khích và tạo điều kiện cho các nghiên cứu về tự kỷ, hỗ trợ đào tạo các chuyên gia trong lĩnh vực Tự kỷ.

Chương 3.

THÀNH VIÊN CỦA VAN

 

Điều 7. Các thành viên của Mạng lưới bao gồm:

 

  1. Thành viên chính thức:

Người tự kỷ và các tổ chức Gia đình người tự kỷ tại các tỉnh, thành phố trên đất nước Việt nam.

2. Thành viên liên kết:

Các tổ chức hỗ trợ, các nhà chuyên môn, nhà cung cấp dịch vụ cho người tự kỷ

  1. Thành viên danh dự:

Các cá nhân và tổ chức từ thiện hỗ trợ người tự kỷ, do Ban điều hành Mạng lưới vinh danh

 

Điều 8. Kết nạp thành viên, hội viên VAN

 Cá nhân, tổ chức Việt Nam có đủ điều kiện quy định tại Điều 7 của Điều lệ này, có đơn xin gia nhập hội gửi VAN, được Ban chấp hành VAN chấp thuận và có khả năng đóng phí thành viên hàng năm theo quy định của VAN.

Điều 9. Ra khỏi tổ chức của VAN

 Thành viên của VAN muốn ra khỏi tổ chức VAN gửi đơn tới Ban chấp hành VAN để xem xét, quyết định.

Điều 10. Từ chối thành viên

 Ban chấp hành VAN  có quyền từ chối thành viên không cần thông báo lý do.

Điều 11. Quyền lợi thành viên

1. Ứng cử, đề cử các đại biểu của mình vào ban Điều hành của VAN, được thảo luận và biểu quyết về Điều lệ VAN, các công việc của VAN, chất vấn những vấn đề có liên quan đến VAN.

2. Được VAN bảo vệ khi quyền và lợi ích hợp pháp bị xâm phạm; được hỗ trợ, sử dụng các dịch vụ do VAN cung cấp; được cung cấp các thông tin liên quan đến các lĩnh vực hoạt động của VAN.

3. Đề xuất, chất vấn, kiến nghị với VAN và các cơ quan liên quan những vấn đề thành viên và hội viên VAN quan tâm theo quy định của pháp luật.

4. Tham gia và thụ hưởng từ các hoạt động của VAN.

Điều 12. Nghĩa vụ của thành viên VAN

1. Thực hiện đầy đủ, nghiêm túc Điều lệ VAN, nghị quyết của Đại hội cũng như các nghị quyết, quyết định của Ban Điều hành VAN.

2. Bảo vệ các nguyên tắc và phát triển lợi ích của VAN.

3. Tham gia các hoạt động của VAN và hoàn thành nhiệm vụ được VAN phân công hoặc tình nguyện tham gia.

4. Hợp tác với các thành viên khác để cùng thực hiện mục tiêu của VAN. Tham gia đóng góp vào việc tuyên truyền, giới thiệu Điều lệ của VAN, nhằm phát triển hội viên mới.

5. Đóng hội phí đầy đủ theo quy định của VAN.

6. Giữ gìn uy tín của VAN.

Chương 4.

TỔ CHỨC CỦA VAN

Điều 13. Đại hội toàn quốc

 1. Đại hội toàn quốc của VAN 2 năm một lần. Trường hợp đặc biệt có ít nhất 2/3 (hai phần ba) tổng số ủy viên Ban Chấp hành hoặc có ít nhất 1/2 (một phần hai) tổng số thành viên chính thức đề nghị, VAN có thể tiến hành đại hội bất thường.

2. Ngày đại hội sẽ được thông báo trước ít nhất là 6 tháng cho các thành viên. Chương trình đại hội sẽ được Ban chấp hành thông báo trước đại hội ít nhất 3 tháng

3. Đại hội có các nhiệm vụ:

3.1.Thảo luận và thông qua các báo cáo về tổ chức, hoạt động và tài chính của VAN trong nhiệm kỳ qua.

3.2. Quyết định sửa đổi, bổ sung Điều lệ VAN, đổi tên VAN hoặc biểu tượng của VAN (nếu có);

3.3. Quyết định phương hướng, nhiệm vụ, chương trình hoạt động và các vấn đề về tổ chức của VAN trong nhiệm kỳ mới;

3.4. Hiệp thương bầu Ban Chấp hành, Ban Kiểm tra VAN nhiệm kỳ mới.

3.5.Thông qua các nghị quyết của Đại hội

3.6. Quyết định các vấn đề khác phù hợp với tôn chỉ, mục đích, điều lệ của VAN và quy định của pháp luật.

Điều 14. Ban Chấp hành VAN

1. Thành viên Ban chấp hành

1.1 Thành viên Ban chấp hành do Đại hội toàn quốc bầu ra. Số lượng thành viên do Đại hội quy định

1.2 Ban chấp hành có nhiệm vụ và quyền hạn:

1.2.1 Tổ chức triển khai các chương trình hành động và nghị quyết Đại hội.

1.2.2. Quy định tổ chức và hoạt động các ban chuyên môn, văn phòng VAN,

1.2.3. Ban hành các quy định, quy chế hoạt động của Ban Chấp hành, Ban Thường vụ, Ban Kiểm tra. Ban hành các quy chế về: Chế độ sử dụng và quản lý tài sản, tài chính; khen thưởng, kỷ luật; thủ tục gia nhập và rút khỏi tổ chức của VAN và các quy chế khác phù hợp quy định của Điều lệ của VAN

1.2.4. Bầu Chủ tịch, các Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký, Phó Tổng Thư ký và các ủy viên Ban Thường vụ VAN.

1.2.5. Xem xét, quyết định việc bầu bổ sung, thay thế ủy viên Ban Chấp hành. Số ủy viên bổ sung không quá 1/3 (một phần ba) số ủy viên Ban Chấp hành do Đại hội bầu ra.

1.2.6. Quyết định việc tổ chức đại hội nhiệm kỳ, đại hội bất thường và hội nghị thường niên theo quy định tại Điều 13 Điều lệ VAN;

1.2.7.Quyết định việc gia nhập các tổ chức quốc tế, tiếp nhận các chương trình, dự án và các nguồn tài trợ theo quy định của pháp luật.

Điều 15. Ban Thường vụ

1. Ban Thường vụ do Ban Chấp hành VAN bầu ra, số lượng ủy viên thường trực Ban Chấp hành không quá 1/3 (một phần ba) tổng số ủy viên Ban Chấp hành, gồm có: Chủ tịch, các Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký, Phó Tổng Thư ký và các Ủy viên thường trực.

2. Ban Thường vụ có nhiệm vụ và quyền hạn sau:

2.1. Thay mặt Ban Chấp hành VAN điều hành trực tiếp các hoạt động thường xuyên của VAN giữa hai kỳ họp của Ban Chấp hành;

2.2. Hướng dẫn và kiểm tra thực hiện Điều lệ VAN, các nghị quyết của Ban Chấp hành VAN;

2.3. Xem xét, quyết định việc khen thưởng, kỷ luật của VAN;

2.4. Quyết định thành lập các Ban chuyên môn, các tổ chức, trung tâm về tư vấn, đào tạo và các văn phòng đại diện trực thuộc VAN;

2.5. Ban Thường vụ VAN họp thường kỳ 3 (ba) tháng một lần; trường hợp cần thiết có thể họp bất thường.

Điều 16. Chủ tịch và các Phó Chủ tịch VAN

1. Chủ tịch VAN do Ban chấp hành bầu ra và chịu trách nhiệm trước Ban chấp hành, Ban thường vụ và là người đại diện pháp nhân của VAN, chịu trách nhiệm chung về mọi hoạt động của VAN.

2. Nhiệm vụ, quyền hạn:

2.1. Hoạch định mục tiêu, chiến lược hoạt động và tổ chức của VAN, nắm bắt thông tin về các vấn đề quan trọng trong nước và quốc tế nhằm điều chỉnh kịp thời phương hướng hoạt động, đảm bảo cho VAN phát triển bền vững;

2.2. Chủ trì trong các kỳ họp Ban Chấp hành và Ban Thường vụ VAN.

3. Các Phó Chủ tịch VAN do Ban Chấp hành bầu ra và các nhiệm vụ giúp Chủ tịch thực hiện các nhiệm vụ theo sự phân công và ủy quyền của Chủ tịch VAN.

4. Nhiệm kỳ của Chủ tịch và các Phó Chủ tịch theo nhiệm kỳ của Ban Chấp hành và đảm nhiệm không quá hai nhiệm kỳ.

Điều 17. Tổng Thư ký và Phó Tổng Thư ký VAN

1. Tổng Thư ký do Ban Chấp hành bầu ra, là người được Chủ tịch VAN ủy quyền điều hành công việc hàng ngày, triển khai thực hiện các chương trình, nội dung công tác đã được Ban Chấp hành VAN thông qua.

2. Quyền hạn của Tổng Thư ký:

2.1. Lập kế hoạch năm và dự thảo tổng kết hoạt động tháng, quý, năm cho Ban Chấp hành;

2.2. Xử lý các công việc hành chính, điều hành hoạt động hàng ngày của các tổ chức trực thuộc VAN; chỉ đạo, phối hợp hoạt động của Văn phòng và các tổ chức chuyên môn của VAN theo sự chỉ đạo của Chủ tịch VAN.

2.3. Chuẩn bị chương trình và nội dung các kỳ họp của Ban Chấp hành VAN và Ban Thường vụ VAN;

2.4. Tổ chức xây dựng và thực hiện quy chế hoạt động của văn phòng, quy chế quản lý tài chính, tài sản và các quy chế khác của VAN trình Ban Thường vụ xem xét, quyết định.

3. Phó Tổng thư ký giúp việc cho Tổng thư ký thực hiện một số nhiệm vụ theo sự phân công của Tổng thư ký.

Điều 18. Ban Kiểm tra VAN

1. Ban Kiểm tra do Đại hội của VAN bầu ra, gồm: Trưởng ban, Phó trưởng ban và các Ủy viên. Trưởng ban Kiểm tra phải do một ủy viên Ban thường vụ VAN đảm nhiệm. Ban kiểm tra họp 6 (sáu) tháng một lần và chịu sự chỉ đạo trực tiếp của Ban chấp hành VAN. Nhiệm kỳ của Ban kiểm tra VAN theo nhiệm kỳ của Ban Chấp hành VAN.

2. Ban Kiểm tra của VAN có nhiệm vụ:

2.1. Giám sát, kiểm tra việc thực hiện Điều lệ, các nghị quyết của Đại hội và của Ban Chấp hành VAN;

2.2.Kiểm tra hoạt động tài chính và sử dụng tài sản của VAN theo quy định của pháp luật;

2.3.Xem xét và giải quyết các khiếu nại và tố cáo trong nội bộ VAN;

2.4.Tham mưu cho VAN trong việc tham gia giám sát thực hiện các chính sách của Nhà nước, các quy định pháp luật liên quan đến người khuyết tật theo quy định của pháp luật;

2.5.Trường hợp kiểm tra một ủy viên Ban chấp hành phải được thống nhất trong Ban thường vụ của VAN;

2.6. Ban kiểm tra họp định kỳ 06 (sáu) tháng một lần.

Điều 19. Văn phòng VAN và các ban chuyên môn

1. Văn phòng của VAN có Chánh văn phòng, Phó chánh văn phòng và nhân viên làm việc theo chế độ hợp đồng lao động do Tổng Thư ký VAN phụ trách.

2. Văn phòng và các ban chuyên môn xây dựng quy chế hoạt động, chức năng, nhiệm vụ của văn phòng và các ban chuyên môn trình Ban Thường vụ xem xét, quyết định.

3. Chánh Văn phòng điều hành hoạt động của Văn phòng theo quy chế do Ban thường vụ VAN phê duyệt.

4. VAN có các ban chuyên môn; các ban chuyên môn có Trưởng ban, Phó Trưởng ban và một số nhân viên giúp việc; các ban chuyên môn do Ban thường vụ VAN quyết định thành lập hoặc giải thể. Trưởng các ban chuyên môn xây dựng quy chế làm việc của ban, trình Ban thường vụ phê duyệt.

Chương 5.

TÀI CHÍNH VÀ TÀI SẢN CỦA VAN

Điều 20. Nguồn thu tài chính

1. Hội phí của các thành viên và hội viên.

2. Nguồn tài chính hỗ trợ, tài trợ từ các cơ quan, tổ chức kinh tế - xã hội, các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước;

3. Huy động gây quỹ hợp pháp của VAN;

4. Kinh phí thực hiện các chương trình, dự án được Nhà nước giao.

5. Hỗ trợ tài chính từ ngân sách nhà nước theo quy định hiện hành (nếu có).

6. Khoản thu hợp pháp từ hoạt động của VAN.

7. Các khoản thu hợp pháp khác.

Các nguồn thu trên không được chia cho các hội viên.

Điều 21. Những khoản chi

1. Theo quy chế chi tiêu tài chính nội bộ của VAN và quy định của pháp luật hiện hành.

2. Thực hiện các chương trình, hoạt động hỗ trợ người tự kỷ (bao gồm cả các hoạt động hỗ trợ các tổ chức của người tự kỷ).

3. Tổ chức Đại hội và các kỳ họp của VAN.

4. Phổ biến, hướng dẫn và phát hành các ấn phẩm về tự kỷ của VAN;

5. Quan hệ quốc tế.

6. Trả lương, phí hành chính cho văn phòng VAN.

7. Khen thưởng.

8. Thực hiện công tác tuyên truyền, vận động.

9. Mua sắm, sửa chữa tài sản sử dụng thường xuyên của Văn phòng VAN.

10. Chi cho công tác đào tạo, bồi dưỡng.

Điều 22. Tài sản của VAN

Tài sản VAN bao gồm bất động sản và các tài sản được mua sắm bằng các nguồn tài chính hợp pháp của VAN. Toàn bộ tài sản hàng năm được kiểm kê và sử dụng, giữ gìn có hiệu quả.

Điều 23. Nguyên tắc quản lý, sử dụng tài sản, tài chính

Việc quản lý, sử dụng tài sản, tài chính của VAN được thực hiện theo quy định của pháp luật hiện hành và chịu sự kiểm tra của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật.

Điều 24. Xử lý tài sản, tài chính khi chia, tách; hợp nhất; sáp nhập và giải thể VAN

Việc xử lý tài sản, tài chính khi chia, tách; hợp nhất; sáp nhập và giải thể VAN được thực hiện theo quy định của pháp luật.

Chương 6.

KHEN THƯỞNG VÀ KỶ LUẬT

Điều 25. Khen thưởng

Thành viên, hội viên và cá nhân có nhiều thành tích được VAN xét khen thưởng với hình thức cấp Bằng khen. Nếu thành tích xuất sắc được đề nghị Nhà nước khen thưởng. Chế độ khen thưởng thực hiện theo hướng dẫn của Ban Chấp hành VAN, phù hợp với Luật Thi đua và Khen thưởng của Nhà nước.

Điều 26. Kỷ luật

1. Tổ chức, hội viên, cá nhân vi phạm Điều lệ VAN, nghị quyết của VAN, làm ảnh hưởng đến uy tín, danh dự, tài sản, tài chính của VAN thì tùy theo mức độ sai phạm phải chịu hình thức kỷ luật từ khiển trách, cảnh cáo, cách chức đến khai trừ ra khỏi VAN và chịu trách nhiệm trước pháp luật.

2. Các hình thức kỷ luật thuộc thẩm quyền của Ban Chấp hành VAN quyết định gồm: cách chức, miễn nhiệm, khai trừ. Các hình thức thuộc thẩm quyền Ban Thường vụ VAN quyết định gồm: Khiển trách, cảnh cáo.

Chương 7.

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 27. Sửa đổi, bổ sung Điều lệ

Việc sửa đổi, bổ sung Điều lệ này phải được quá 1/2 (một phần hai) số đại biểu có mặt tại Đại hội đại biểu toàn quốc của VAN hội thông qua và trình Bộ Nội vụ xem xét, quyết định.

Điều 28. Hiệu lực thi hành

1. Điều lệ này gồm …. Chương, …. Điều, đã được thông qua tại Đại hội thành lập VAN nhiệm kỳ I vào ngày …….. và có hiệu lực kể từ ngày …. phê duyệt.

2. Tất cả các thành viên, hội viên của VAN có trách nhiệm thực hiện Điều lệ này. Ban Thường vụ VAN có trách nhiệm hướng dẫn và tổ chức thực hiện Điều lệ này./.

popup

Số lượng:

Tổng tiền: