-
-
-
Tổng cộng:
-
“CHẠM” - TRIỂN LÃM SẢN PHẨM NGHỆ THUẬT CỦA NGƯỜI TỰ KỶ TẠI HÀ NỘI
Sự kiện đầu tiên khởi động cho một chuỗi các hoạt động nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng về tự kỷ của Mạng lưới Tự kỷ Việt Nam trong năm 2017 là TRIỂN LÃM SẢN PHẨM NGHỆ THUẬT CỦA NGƯỜI TỰ KỶ TẠI HÀ NỘI mang tên “CHẠM”
https://www.facebook.com/events/136...
Ngày 4/3/2017, tại Cúc Gallery, tầng 5, Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam, 36 Lý Thường Kiệt, Hà Nội sẽ diễn ra buổi khai mạc triển lãm sản phẩm nghệ thuật của người tự kỷ mang tên CHẠM
Triển lãm được thực hiện bởi Mạng lưới Tự kỷ Việt Nam phối hợp với Trung tâm Sáng kiến Sức khỏe và Dân số, với sự hỗ trợ tài chính của Trung tâm Giao lưu Văn hóa Nhật Bản tại Việt Nam, nhóm Phụ nữ Châu Á và những người bạn tại Hà nội, và quĩ Tự kỷ và Nghệ thuật (Quĩ do cha mẹ của trẻ tự kỷ đóng góp).
CHẠM là triển lãm các sản phẩm nghệ thuật của 6 người tự kỷ: Ujita Masato đến từ Nhật Bản, Trung Hiếu, Hoàng Minh, Bình Minh, Danh Lâm (Gia Bảo) và Nem (Đình Chí), được cố vấn bởi họa sỹ Lê Thiết Cương, họa sỹ Nguyễn Đức Phương và họa sỹ Khúc Ngọc Minh.
CHẠM được chia thành 6 góc nhỏ, mỗi góc là một câu chuyện. Nguyệch ngoạc, loằng ngoằng, vẽ, bôi màu, xé giấy, vò nặn… Lúc đầu đó chỉ là bản năng, là nhu cầu giải tỏa cảm xúc, bày tỏ nhận thức vô cùng khó khăn và kỳ lạ của người tự kỷ, nhưng rồi từ đó, lại hé lộ một cách giao tiếp, một niềm đam mê, một năng khiếu nghệ thuật. Cũng như tất cả chúng ta, người tự kỷ có cảm xúc, có sở trường riêng, và một số ít người có tài năng. Nhưng họ khó khăn hơn người bình thường rất nhiều trong việc đi đến thành công. Chứng tự kỷ ảnh hưởng nghiêm trọng đến khả năng giao tiếp và học hỏi của họ. Họ cần rất nhiều sự yêu thương, cảm thông, kiên trì, sự hỗ trợ đúng cách của gia đình và thầy cô hướng dẫn. Phải trải qua những chặng đường rất dài và gian nan, họ mới có thể CHẠM tay vào nghệ thuật.
Đằng sau CHẠM là sự cố gắng nỗ lực của các gia đình có người tự kỷ. Phải rất giàu lòng yêu thương và niềm tin vào con mình, rất nhiều khao khát con được sống có ý nghĩa và hạnh phúc, các cha mẹ mới có thể đầu tư nhiều thời gian, công sức, vật chất, để con học được cách thể hiện bản thân, cách giao tiếp qua nghệ thuật. CHẠM vào một thành công nho nhỏ, cũng có nghĩa là CHẠM vào niềm hy vọng rất lớn của người tự kỷ: được sống bình thường, học và làm việc, có thu nhập từ những sản phẩm của chính mình, hòa nhập và đóng góp cho xã hội.
CHẠM mong mỏi MỞ được cảm xúc và vòng tay đón nhận của cộng đồng!
Triển lãm sẽ mở cửa từ 8.00 sáng đến 5.00 chiều trong thời gian 4/3 - 12/3/2017 tại tầng 5, Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam, 36 Lý Thường Kiệt, Hà Nội (ngày cuối cùng kết thúc lúc 12h trưa).
Để biết thêm thông tin, vui lòng liên lạc với Lê Giang : Số Điện thoại 097 520 5814 | Email
lhgiang@ccihp.org
Vui lòng theo dõi trang Facebook của sự kiện tại:
https://www.facebook.com/vietnamart...
Các họa sĩ tham gia triển lãm:
1. Hà Đình Chí / Nem Gallery (12 tuổi) – Hà Nội
2. Nguyễn Trung Hiếu / Hieu Gallery (18 tuổi) – Hà Nội
3. Nguyễn Danh Lâm (Gia Bảo) (13 tuổi) – Hà Nội
4. Phạm Bình Minh (14 tuổi) – Hà Nội
5. Trịnh Hoàng Minh (15 tuổi) – Hà Nội
6. Ujita Masato / Aoba Gallery (42 tuổi) - Nhật Bản
Cố vấn về nghệ thuật:
1. Họa sỹ Lê Thiết Cương
2. Họa sỹ Nguyễn Đức Phương
3. Họa sỹ Khúc Ngọc Minh
Đơn vị tổ chức:
Mạng lưới Tự kỷ Việt Nam
Trung tâm sáng kiến sức khỏe và dân số
Đơn vị tài trợ:
The Japan Foundation center for Cultural Exchange in Vietnam
Quỹ Nghệ thuật và Tự kỷ
Asian Women & Friends in Hanoi